Danh sách hoạt chất chống nắng phổ biến trong mỹ phẩm
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chống nắng với các hoạt chất khác nhau, mỗi hoạt chất có hiệu quả chống nắng, cơ chế tác động và nhược điểm riêng. Sau đây, Doctor Acnes sẽ giới thiệu và phân tích một số hoạt chất chống nắng thông dụng để từ đó giúp bạn có thêm thông tin trong việc lựa chọn sản phẩm chống nắng phù hợp.
Cơ chế hoạt động của kem chống nắng
Kem chống nắng có thể được chia thành hai loại là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Tuy có cùng công dụng, giúp bảo vệ da khỏi tia UV nhưng mỗi loại có cơ chế hoạt động khác nhau.
Kem chống nắng vật lý (sunblock): hoạt động như một lá chắn giúp phản xạ lại tia UV và ngăn không cho tia UV đi xuyên qua da. Có hai thành phần thường gặp trong kem chống nắng vật lý là titanium dioxide và zinc oxide. Kem chống nắng vật lý chứa các hoạt chất vô cơ, ít tương tác với da do đó ít gây kích ứng cho da, phù hợp với làn da nhạy cảm.
Kem chống nắng hóa học (sunscreen): hoạt động như một màng lọc hóa học, bảo vệ da bằng cách hấp thu, xử lý và phân hủy tia UV trước khi chúng gây hại cho da. Các thành phần chính trong kem chống nắng hóa học thường bao gồm avobenzone, oxybenzone, octisalate. Vì chứa thành phần hóa học nên kem chống nắng dạng này có thể gây kích ứng da, đặc biệt với làn da nhạy cảm.
Một số hoạt chất chống nắng thông dụng
Titanium dioxide
Titanium dioxide là một hoạt chất chống nắng phổ rộng an toàn và hiệu quả tuy nhiên phổ chống nắng bị giới hạn ở UVB và UVA2, không chống được tia UVA1. Cùng với zinc oxide, titanium dioxide là hoạt chất thuộc nhóm chống nắng vật lý được FDA công nhận xếp loại GRASE (viết tắt của cụm từ “Generally recognized as safe and effective” – tức là được chứng nhận an toàn và hiệu quả bởi các chuyên gia y tế).
Zinc oxide
Tương tự với titanium dioxide, zinc oxide là hoạt chất chống nắng vật lý được FDA xếp loại GRASE, chứng nhận an toàn với nồng độ tối đa lên đến 25%. Nghiên cứu chứng minh, zinc oxide tương đối an toàn cho da vì không có bằng chứng cho thấy hoạt chất hấp thu qua lớp biểu bì hay gây độc tế bào da khi sử dụng lặp lại nhiều lần.
Oxybenzone
Oxybenzone là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm kem chống nắng. Oxybenzone là hoạt chất chống nắng phổ rộng, hiệu quả trong ngăn chặn cả tia UVA2 và UVB. Tuy nhiên, oxybenzone cho hiệu quả chống nắng không cao khi hoạt động đơn độc, do đó thường được dùng kết hợp với các hoạt chất chống nắng khác.
Avobenzone
Avobenzone là hoạt chất có khả năng ngăn chặn hiệu quả toàn bộ dãy tia UVA nhưng không bền và dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với ánh sáng. Nghiên cứu cho thấy sau khoảng 1 giờ tiếp xúc với tia UV, avobenzone bị mất đi từ 50-90% hoạt tính. Do đó để tăng cường tính ổn định và mở rộng phổ chống nắng, avobenzone thường được kết hợp với các hoạt chất khác như octocrylene, mexoryl. Ở nhiều quốc gia, avobenzone còn được sử dụng kết hợp với zinc oxide và titanium dioxide nhưng sự kết hợp này chưa được FDA chấp thuận.
Octinoxate
Octinoxate là một hoạt chất chống nắng hóa học, hiệu quả trong ngăn chặn tác hại của tia UVB, khi dùng kết hợp với avobenzone có thể giúp mở rộng phổ chống nắng, tăng cường khả năng bảo vệ da. Một số nghiên cứu trong ống nghiệm (in vitro) và trên động vật (in vivo) cho rằng, octinoxate có khả năng gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hoạt động của các hormon estrogen, androgen, progesterone.
Homosalate
Homosalate là hoạt chất chống nắng hóa học mang lại hiệu quả trong bảo vệ da khỏi UVB, nhưng không có khả năng ngăn chặn tác hại của tia UVA do đó thường được dùng kết hợp với các hoạt chất khác để mở rộng phổ chống nắng.
Một số nghiên cứu cho rằng, homosalate được hấp thu dễ dàng qua da, sau đó chuyển hóa tạo sản phẩm phụ có khả năng gây độc, ảnh hưởng đến hoạt động của hormon estrogen và androgen. Gần đây, Uỷ ban Châu u khuyến cáo việc sử dụng homosalate nồng độ lên đến 10% là không an toàn vì nguy cơ rối loạn nội tiết, mức nồng độ tối đa được đề xuất giảm còn 1,4%.
Octisalate
Octisalate là hoạt chất chống nắng hóa học, hiệu quả trong hấp thu và phân hủy tia UVB, thường được sử dụng kèm với avobenzone để tăng cường tính ổn định và mở rộng phổ chống nắng. Octisalate có đặc tính thân dầu và khả năng kháng nước vừa phải do đó hoạt chất này thường xuất hiện trong các sản phẩm kem chống nắng cho cơ thể có tác động kéo dài.
Octocrylene
Octocrylene là hoạt chất chống nắng hóa học với tác động chủ yếu là ngăn chặn tác hại của tia UVB và một phần nhỏ tia UVA2. Octocrylene có hoạt tính chống nắng khá yếu nhưng bền vững khi tiếp xúc với tia cực tím do đó thường được sử dụng trong cùng một công thức với avobenzone để tăng cường tính ổn định của hoạt chất.
Ngoài ra, octocrylene còn có tác dụng làm mềm da và giúp cải thiện khả năng kháng nước của sản phẩm. Nghiên cứu cho rằng, octocrylene có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic contact dermatitis) mức độ nặng ở trẻ em, do đó không nên cho trẻ sử dụng kem chống nắng có chứa octocrylene.
Tóm lại, trong một sản phẩm chống nắng, hoạt chất chính chỉ chiếm khoảng 20% trọng lượng nhưng là thành phần quan trọng nhất, quyết định tính hiệu quả và an toàn của sản phẩm. Các hoạt chất thường gặp trên thị trường bao gồm titanium dioxide, zinc oxide, oxybenzone, avobenzone, octinoxate, homosalate, octisalate, octocrylene, hoạt động theo hai cơ chế chính: hấp thu và xử lý tia UV (chống nắng hóa học) hoặc phản xạ lại tia UV (chống nắng vật lý).
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 07 0838 0878.
Nguồn: https://doctoracnes.com/mot-so-hoat-chat-chong-nang-thong-dung/
0コメント