Cách xử lý da bị dị ứng mỹ phẩm và phục hồi nhanh chóng

Da mặt là vùng da có độ nhạy cảm cao, mỏng và dễ bị tổn thương hơn so với các vùng da khác trên cơ thể. Vì vậy, việc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp có thể dẫn đến da bị kích ứng như nổi mẩn đỏ, mụn hay tăng sắc tố… Hôm nay, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết cũng như cách chăm sóc da mặt dị ứng nhé.

Dấu hiệu da bị dị ứng mỹ phẩm

Kích ứng sau khi dùng mỹ phẩm là tình trạng da bị tổn thương bởi những thành phần có trong mỹ phẩm, dẫn đến những hậu quả với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng cho da. Vì vậy, khi dùng mỹ phẩm cần chú ý những dấu hiệu sau đây để biết da có bị dị ứng sau khi dùng mỹ phẩm hay không:

Da khô: da sẽ trở nên thô ráp và tróc vảy. Nếu mức độ khô da nghiêm trọng, có thể kèm theo các dấu hiệu khác như ngứa, đỏ da và các vết nứt da ở nhiều mức độ khác nhau.

Da trở nên nhạy cảm hơn: với những tác động từ bên ngoài (ánh sáng, tia cực tím, môi trường nóng lạnh, xà phòng, mỹ phẩm, các tác nhân ô nhiễm…) hoặc từ bên trong cơ thể (nội tiết, tâm lý). Biểu hiện đặc trưng của da nhạy cảm là cảm giác da căng, châm chích, khó chịu và ngứa, bên cạnh đó có thể thấy da trở nên đỏ hơn và đôi khi tróc vảy.

Viêm da tiếp xúc kích ứng: bao gồm các triệu chứng đỏ da, khô và bong vảy; có cảm giác châm chích ngay tại vị trí thoa. Kích ứng sẽ giảm đi nếu thoa một lượng ít hoặc thưa dần, và có thể kèm thêm viêm da tiếp xúc dị ứng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng: đây là phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể, chỉ xảy ra với những người có cơ địa nhạy cảm. Biểu hiện của viêm da tiếp xúc dị ứng có thể xuất hiện tại chỗ hoặc toàn thân bao gồm ngứa, bỏng rát kèm theo đỏ da, sưng phù và bóng nước.

Những chất nào có trong mỹ phẩm dễ gây tai biến cho da?

Khi chọn mỹ phẩm, việc hiểu rõ thành phần có thể gây dị ứng là rất quan trọng, đặc biệt với làn da nhạy cảm. Dưới đây là một số thành phần dễ gây kích ứng da:

Retinoid: là dẫn xuất vitamin A, có hiệu quả trong điều trị mụn và chống lão hóa. Tuy nhiên, cả dạng bôi và uống đều có thể gây tác dụng phụ như da bỏng rát, ửng đỏ và thậm chí là sưng tấy. Đặc biệt, tính acid của retinoid khiến da nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng.

Dầu lanolin: được chiết xuất từ da cừu, giúp dưỡng ẩm và làm mềm da. Tuy nhiên theo nghiên cứu, lanolin có thể gây dị ứng cho khoảng 1,7% người sử dụng với triệu chứng sưng tấy tại các vị trí bôi như mắt, môi hoặc phát ban.

Chất tạo mùi: là thành phần chính gây dị ứng trong mỹ phẩm, chiếm từ 30 – 45% các tác nhân gây dị ứng. Các sản phẩm có hương thơm càng đậm đặc thì nguy cơ gây kích ứng càng cao. Chất tạo mùi thường có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm như dung dịch vệ sinh, kem dưỡng da sau cạo râu.

Chất bảo quản: cũng là tác nhân quan trọng gây dị ứng, có nhiều trong các sản phẩm gốc nước như sữa rửa mặt, các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm. Một số chất bảo quản gây dị ứng thường được dùng trong mỹ phẩm có thể kể đến là Euxyl K400 (chứa methyldibromo glutaronitrile trong hỗn hợp phenoxy-ethanol), hỗn hợp methyl- và methylchloro-isothiazolinone.

Chất dễ gây mụn: nhiều mỹ phẩm chứa thành phần gốc dầu như dầu quả bơ, dầu dừa, dầu đậu nành, lanolin, bơ cacao. Những chất này dễ gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn phát sinh.

Hydroquinone: hiệu quả trong làm sáng da nhưng khi sử dụng lâu dài có thể gây sạm da (exogenous ochronosis) ở một số ít người. Đặc trưng là những vệt sắc tố xanh đen xuất hiện tại vùng da được bôi hydroquinone.

Các cách phục hồi da sau dị ứng mỹ phẩm với Bác sĩ Da liễu

Thời gian để da phục hồi sẽ phụ thuộc vào dạng dị ứng cụ thể và cơ địa của mỗi người, có trường hợp da có thể phục hồi trong vài tuần nhưng cũng có trường hợp kéo dài lâu hơn, kéo dài hàng tháng. Với từng loại dị ứng, Bác sĩ Da liễu có thể lựa chọn một trong các liệu trình điều trị dưới đây:

Đối với da khô

Dùng các chế phẩm dưỡng ẩm có chứa hyaluronic acid, ceramide.

Nếu không có tình trạng da kích ứng, có thể cân nhắc thêm glycolic acid, urea, lactic acid và lipohydroxy acid.

Đối với da nhạy cảm

Tránh sử dụng kháng viêm corticosteroid tại chỗ.

Sử dụng các chất ức chế miễn dịch dạng bôi pimecrolimus, tacrolimus hoặc các phân tử tác dụng chuyên biệt lên thụ thể TRPV1 như trans-4-tert-butylcyclohexanol, furocoumarin.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Dùng kháng viêm corticosteroid dạng bôi triamcinolone, desoximetasone 2 lần/ngày trong 2 – 4 tuần cho những trường hợp viêm da nhẹ đến trung bình và khu trú.

Sử dụng triamcinolone tiêm hoặc prednisone đường uống cho những trường hợp viêm da trung bình đến nặng hoặc tổn thương diện rộng.

Trứng cá do mỹ phẩm

Lấy nhân mụn.

Thay da sinh học bằng các acid tự nhiên.

Chăm sóc da khi bị tai biến do dùng mỹ phẩm thế nào?

Tùy thuộc vào dạng dị ứng và nền da của mỗi người, quy trình chăm sóc da cụ thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung cần áp dụng khi da có dấu hiệu tổn thương do sử dụng mỹ phẩm như sau:

Xem lại các mỹ phẩm đã dùng và ngưng ngay những sản phẩm có thành phần có thể gây dị ứng nêu trên.

Chăm sóc da nhẹ nhàng bằng cách hạn chế số lượng sản phẩm chăm sóc da. Sử dụng sữa rửa mặt không chứa xà phòng, cồn và hương liệu. Làm sạch da nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh bằng các thiết bị cơ học hoặc các sản phẩm tẩy tế bào chết.

Tình trạng kích ứng da do mỹ phẩm rất phổ biến, vì vậy cần hiểu rõ làn da và thành phần mỹ phẩm để hạn chế rủi ro, đặc biệt khi dùng sản phẩm mới. Nếu có dấu hiệu kích ứng, nên ngưng sử dụng ngay và thăm khám Bác sĩ Da liễu để kịp thời điều trị. Nếu đang gặp phải các vấn đề dị ứng do sử dụng mỹ phẩm, hãy liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé!

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 07 0838 0878.

Nguồn: https://doctoracnes.com/cham-soc-da-va-phuc-hoi-da-sau-tai-bien-do-my-pham/

0コメント

  • 1000 / 1000