Peel da và tẩy tế bào chết: Có giống nhau không?

Peel da và tẩy tế bào chết giống nhau về cơ chế nhưng lại khác biệt về mục đích và cách thực hiện. Cả hai phương pháp đều có hiệu quả giúp da mịn màng và tươi trẻ hơn. Như vậy hai phương pháp này có thể thay thế cho nhau không hay peel da có cần tẩy da chết nữa không? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau đây nhé.

Các khái niệm liên quan về peel da và tẩy tế bào chết

Peel da là gì?

Peel da là phương pháp tái tạo bề mặt da bằng việc sử dụng các hoạt chất có hoạt tính ly giải tế bào trên da, gây bong tróc lớp sừng hoặc một phần lớp biểu bì. Quá trình này giúp tái tạo và điều trị một số vấn đề của da. Có nhiều loại peel da khác nhau tùy thuộc vào độ xâm nhập, thời gian tác động và đặc tính riêng của hoạt chất. Quá trình peel da có thể mang lại nhiều lợi ích cho các tình trạng da khác nhau như nếp nhăn, dày sừng quang hóa, tổn thương da và lão hóa do ánh nắng, rối loạn sắc tố, mụn và sẹo mụn.

Tẩy tế bào chết là gì?

Tế bào chết thường tích tụ trên da do quá trình chuyển hóa tự nhiên của tế bào da, cùng với các yếu tố bên ngoài như bụi bẩn, tác động của ánh nắng mặt trời và mỹ phẩm. Sự tích tụ này có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, làm mất đi sự đồng đều của màu da, làm giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất của da dẫn đến hình thành mụn.

Phân biệt điểm giống và khác nhau giữa peel da và tẩy tế bào chết

Peel da và tẩy tế bào chết là hai phương pháp chăm sóc da giống và khác nhau như:

Điểm giống nhau

Cả hai phương pháp peel da và tẩy tế bào chết đều hoạt động bằng cách loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da, tăng cường quá trình tái tạo tế bào da mới, cải thiện tình trạng da xỉn màu từ đó giúp da sáng, đều màu và mịn màng hơn.

Điểm khác biệt

Mặc dù cả peel da và tẩy tế bào chết đều có mục tiêu chung là loại bỏ tế bào da chết và thúc đẩy tái tạo tế bào da mới, song chúng có những khác biệt quan trọng.

Hoạt chất sử dụng

Peel da: sử dụng các tác nhân acid hữu cơ như acid glycolic, acid mandelic, acid salicylic, acid trichloroacetic hoặc các tác nhân vật lý tác động mạnh lên bề mặt da.

Tẩy da chết: sử dụng các tác nhân tẩy tế bào chết vật lý dạng hạt hay máy rửa mặt để tạo độ ma sát lên da. Ngoài ra, tẩy tế bào chết hóa học sử dụng các acid tự nhiên nhưng thường có nồng độ thấp hơn và cho tác dụng nhẹ nhàng hơn so với peel da.

Mức độ tác động

Peel da: có thể tác động lên cả 3 lớp da (thượng bì, trung bì, hạ bì) tùy theo mức độ peel, hoạt chất peel và thời gian peel.

Tẩy da chết: chỉ tác động được ở lớp thượng bì của da, tức là chỉ tác động vào lớp bề mặt da bên ngoài cùng.

Mục tiêu điều trị

Peel da: có tác dụng kích thích nguyên bào sợi làm tăng sinh collagen và elastin để da săn chắc hơn, làm mờ các tổn thương do tăng sắc tố, làm đều màu da, trị mụn, se khít các lỗ chân lông, làm giảm tiết dầu trên da, trẻ hóa da và mờ nếp nhăn.

Tẩy da chết: chỉ có tác dụng giảm tắc nghẽn lỗ chân lông và tăng cường hấp thụ hiệu quả các sản phẩm chăm sóc da.

Peel da có cần tẩy da chết không và ngược lại

Không nên tẩy tế bào chết trong vòng 1 tuần trước khi peel da vì không cần thiết và sẽ gây ra các tổn thương nhẹ trên da làm tăng tác dụng phụ khi peel.

Quy trình chăm sóc sau khi peel rất quan trọng, đặc biệt đối với peel da trung bình và peel da sâu. Peel da bề mặt giúp loại bỏ một phần lớp biểu bì và bệnh nhân có thể nhận thấy tình trạng bong tróc và tấy đỏ sau khoảng thời gian 48 – 72 giờ. Cần lưu ý là trong quá trình cải thiện sau peel cần giữ ẩm và chống nắng cho da và tránh sử dụng các sản phẩm có thành phần gây kích ứng như AHA, BHA và retinoid. Sau quá trình peel da, khi làn da trở lại trạng thái bình thường bạn có thể tẩy da chết với tần suất 1 – 3 lần/tuần tùy vào từng loại da như đã đề cập trước đó.

Tóm lại, peel da và tẩy tế bào chết là hai phương pháp khác nhau và không thể thay thế cho nhau. Nếu như tẩy da chết được xem như việc làm sạch giúp loại bỏ những thành phần gây bít tắc lỗ chân lông, giúp da thông thoáng và giảm nguy cơ gây mụn thì peel da có tác dụng điều trị những vấn đề như mụn, nám và lão hóa da. Nếu có kế hoạch thực hiện peel da cần tránh tẩy tế bào chết trước khi peel 1 tuần và 3-4 tuần sau khi peel.

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 07 0838 0878.

Nguồn: https://doctoracnes.com/phan-biet-peel-da-va-tay-te-bao-chet/

0コメント

  • 1000 / 1000