Thời gian hợp lý giữa hai lần trị sẹo là bao lâu?
Điều trị sẹo rỗ là một quá trình, đòi hỏi phải trải qua nhiều lần điều trị và câu hỏi được đặt ra là bao lâu nên trị sẹo rỗ một lần để hiệu quả điều trị mang lại là cao nhất? Hãy cùng tìm câu trả lời cho vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Quá trình lành thương
Quá trình lành thương thường diễn ra 4 giai đoạn chính bao gồm: cầm máu (hemostasis) – viêm (inflammation) – tăng sinh (proliferation) – tái tạo (maturation/ remodeling).
Cầm máu
Cầm máu là giai đoạn đầu tiên xảy ra trong vài giây đến vài phút sau khi mô bị tổn thương. Ban đầu, vết thương làm hoạt hóa tiểu cầu đến tập trung, co cụm tại vị trí thành mạch bị tổn thương, từ đó hình thành cục máu đông ngăn sự chảy máu tiếp tục. Đồng thời lúc này sẽ có sự co mạch máu tổn thương và giãn các mạch máu xung quanh tạo điều kiện cho các tế bào viêm (chủ yếu là bạch cầu và đại thực bào) di chuyển đến vết thương, dẫn đến giai đoạn tiếp theo của quá trình lành thương.
Viêm
Giai đoạn viêm có sự tham gia của các bạch cầu và đại thực bào với biểu hiện có thể thấy bên ngoài là sưng, nóng, đỏ, đau. Thời gian khởi phát giai đoạn viêm từ ngày 0 của vết thương và kéo dài trung bình khoảng 3 ngày.
Viêm là giai đoạn cần thiết của lành thương, ức chế giai đoạn này bằng các thuốc kháng viêm có thể ảnh hưởng đến quá trình lành viêm bình thường. Chống nhiễm trùng trong giai đoạn viêm rất quan trọng, vì tình trạng nhiễm trùng có thể làm kéo dài giai đoạn này.
Nếu giai đoạn viêm kéo dài hơn 3 tuần, tình trạng viêm nhiễm có thể biến vết thương thành mạn tính, khả năng lành kém và để lại nhiều sẹo hơn. Các yếu tố có thể gây kéo dài bất thường quá trình lành thương bao gồm tải lượng vi khuẩn cao, chấn thương lặp đi lặp lại và dị vật tồn tại dai dẳng trong vết thương.
Đồng thời, một lớp dịch được tiết trên vết thương, cung cấp lớp ẩm quan trọng và chứa các yếu tố tăng trưởng cần thiết để lành vết thương.
Tăng sinh
Giai đoạn tiếp theo của quá trình lành thương là giai đoạn tăng sinh, từ ngày 4–21 từ khi xuất hiện tổn thương. Giai đoạn này nhằm mục đích tái tạo bề mặt da mới, tạo thành lớp mạch máu mới và các chất nền ngoại bào để lấp đầy các khiếm khuyết do vết thương để lại.
Bề mặt da mới được tạo thành bắt đầu từ mép vết thương, gây cảm giác ngứa tại vùng mép da. Sự tái tạo biểu mô này bảo vệ vết thương khỏi bị nhiễm trùng.
Sửa chữa
Đây là giai đoạn cuối của quá trình lành thương, bắt đầu vào khoảng 3 tuần sau khi xuất hiện vết thương và có thể kéo dài đến 1 năm sau đó. Trong giai đoạn sửa chữa, collagen loại III được thay thế bằng collagen loại I có cấu trúc dày đặc và bền chắc hơn.
Thời gian giữa hai lần điều trị sẹo nên cách nhau bao lâu?
Như đã trình bày ở trên, nguyên lý điều trị sẹo mụn là tạo ra các vi tổn thương tại vị trí vết sẹo, từ đó kích thích quá trình lành thương, tăng sinh của da để làm đầy nốt sẹo. Quá trình làm lành các vết thương được tạo ra một cách có chủ ý này cũng trải qua 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn cầm máu và viêm diễn ra từ vài giây đến 3 ngày sau khi có vết thương.
Trong thời gian này, sẽ có cảm giác sưng, đau, đỏ tại vị trí điều trị sẹo. Tiếp đến, giai đoạn tăng sinh bắt đầu khoảng ngày 4 và kéo dài trung bình đến ngày thứ 21 sau điều trị sẹo. Ở giai đoạn này, sẽ có cảm giác ngứa tại vị trí điều trị sẹo.
Giai đoạn tăng sinh là giai đoạn cần quan tâm bậc nhất trong điều trị sẹo vì mục đích chính của điều trị sẹo là cần da tăng sinh, tái tạo tốt để lấp đầy đáy sẹo. Vì vậy sau 21 ngày là mốc thời gian hợp lý để tiến hành tác động lần tiếp theo khi mà các hoạt động tổng hợp, tái tạo đã diễn ra nhằm đem lại hiệu quả điều trị sẹo cao nhất.
Dựa trên sinh lý tự nhiên về quá trình lành thương cũng như sinh lý về chu trình biệt hóa của tế bào da, khoảng cách giữa hai lần điều trị sẹo nên là 4-6 tuần. Đây là khoảng thời gian cần thiết để da hoàn thành giai đoạn tăng sinh cũng như lành hoàn toàn sau khi chịu tác động của lần điều trị trước.
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 07 0838 0878.
Nguồn: https://doctoracnes.com/thoi-gian-giua-hai-lan-dieu-tri-seo-nen-cach-nhau-bao-lau/
0コメント